Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Cuộc đời và thơ - Louise Glück


Louise Elisabeth Glück (sinh ngày 22 tháng 4 năm 1943) – nhà thơ và nhà viết tiểu luận người Mỹ đoạt giải Nobel Văn học năm 2020 “vì giọng thơ không thể nhầm lẫn bằng vẻ đẹp nghiêm khắc làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”. Trước khi được trao giải Nobel Văn học bà đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn ở Hoa Kỳ, bao gồm Huy chương Nhân văn Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải William Carlos Williams của Hiệp hội thơ ca Mỹ, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia, Giải thưởng Bollingen và nhiều giải thưởng khác.
 
Tiểu sử
Louise Glück sinh ở New York trong một gia đình Do Thái có nguồn gốc Nga (từ mẹ) và Hungary (từ cha). Cha là doanh nhân Daniel Glück (1905–1985), người cùng với anh rể thành lập công ty sản xuất dao và được cấp bằng sáng chế cho dao X-Acto, mẹ là bà nội trợ Beatrice Glück (nhũ danh Grosby, 1909–2011). Chị cả Susana (1941) qua đời trước khi sinh Louise, em gái Teresa Glück (1945–2018), Phó Chủ tịch ngân hàng Citibank, nhà văn, mẹ của nữ diễn viên Abigail Savage. Ngay từ thời thơ ấu, Glück đã được cha mẹ cho học về Thần thoại Hy Lạp và những câu chuyện cổ điển như cuộc đời của Trinh nữ xứ Orléans. Bà bắt đầu làm thơ từ khi còn nhỏ.
 
Thời niên thiếu  Louise mắc chứng biếng ăn tâm thần rất trầm trọng. Năm 1961, bà tốt nghiệp trường trung học George W. Hewlett ở Hewlett, New York nhưng vì điều kiện sức khỏe nên không thể vào đại học. Cho đến năm 1968 bà được điều trị bằng phân tâm học, đồng thời tham dự các lớp học cũng như các cuộc hội thảo về thơ ở Cao đẳng Sarah Lawrence. Trong các năm từ 1963 đến 1965 bà học tại Đại học Columbia, nơi giáo viên của bà là Léonie Adams và Stanley Kunitz.
 
Sau khi rời trường Columbia mà không có bằng cấp, Glück kiếm sống bằng công việc thư ký. Bà kết hôn với Charles Hertz, Jr., vào năm 1967. Cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Năm 1968, Glück xuất bản tập thơ đầu tiên “Con đầu lòng" (Firstborn) và đã nhận được một số sự chú ý tích cực của giới phê bình. Năm 1971, bà trở thành giáo viên dạy thơ tại Đại học Goddard ở Vermont. Những bài thơ bà viết trong thời gian này được tập hợp trong cuốn sách thứ hai “Ngôi nhà trên đầm" (The House on Marshland, 1975), được nhiều nhà phê bình coi là tác phẩm đột phá, báo hiệu “sự khám phá ra một giọng thơ đặc biệt”.
 
Louise Glück bắt đầu hẹn hò với đồng nghiệp đại học John Dranow, năm 1973 con trai của họ ra đời, năm 1977 họ hợp pháp hóa mối quan hệ nhưng cuộc hôn nhân này cũng nhanh chóng tan vỡ. Năm 1984, bà trở thành giảng viên cao cấp của khoa tiếng Anh tại trường Cao đẳng Williams, Massachusetts. Sau đó, bà tiếp tục là giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học Stanford, Boston và Iowa.
 
Hiện tại bà sống ở Cambridge, Massachusetts.

Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã dịch 36 bài thơ của Louise Glück ra tiếng Việt, một khối lượng vừa đủ để đưa vào Tuyển tập “37 Nhà thơ đoạt giải Nobel” mà chúng tôi đã dịch hàng chục năm nay. 36 bài thơ này được dịch từ nhiều tập thơ khác nhau nhưng nhiều nhất là từ tập “Hoa diên vĩ hoang” – một tập thơ bao gồm 54 bài độc thoại của người phụ nữ làm vườn, của các loài hoa, của Chúa Trời hay các vị thần. Giọng nói mang những thông điệp khác nhau, những kiến thức khác nhau về thế giới, đôi khi mâu thuẫn gay gắt với nhau, nhưng đôi khi không dễ để phân biệt giữa chúng. Chỉ có độc thoại – không có người dẫn chuyện. Thời gian từ sáng đến đêm, từ xuân đến đông, từ sinh đến tử. Vẻ đẹp và bi kịch của cuộc đời đi bên nhau. Tâm lý học tinh tế, phong cách đơn giản. Theo đánh giá của các nhà phê bình, đây là cuốn thơ hay nhất của bà – đoạt giải Pulitzer và giải William Carlos Williams của Hiệp hội thơ ca Mỹ.

Một số địa danh trìu tượng hoặc tên một số loài hoa chưa có tên chính xác bằng tiếng Việt thì chúng tôi không dịch mà để như nguyên bản, thí dụ như: Presque isle; Lamium; Witchgrass… đã đành “witch” là phù thủy, “grass” là cỏ thì dịch là “cỏ phù thủy” nghe cũng có lý, tuy nhiên như đã nói, tiếng Việt vẫn chưa có tên gọi chính xác cho loài cỏ này nên chúng tôi không dịch. Phần chú thích cũng dùng rất hạn chế. Thứ nhất, chúng tôi tôn trọng sự tìm tòi của bạn đọc, mặt khác, hầu hết những nhân vật của Thần thoại Hy Lạp, của Homer đã rất nổi tiếng và chúng tôi cũng đã nhiều lần chú thích ở các nhà thơ khác từng dịch trước đây, mà đặc biệt chú thích nhiều và tỉ mỉ nhất trong tác phẩm “Thần Khúc” của Dante.

Và cuối cùng, một thống kê nho nhỏ nhưng cũng cho thấy đôi điều thú vị. Louise Glück trở thành nữ thi sĩ đầu tiên nhận được giải Nobel Văn học kể từ khi nữ thi sĩ người Ba Lan Wislawa Szymborska nhận giải này vào năm 1996. Ngoài ra, cùng với Alice Munro, Svetlana Alexievich và Olga Tokarczuk, bà là người phụ nữ thứ tư nhận giải Nobel Văn học trong một thập kỷ, và là người thứ mười sáu trong lịch sử của giải thưởng này. Cùng với Alice Munroe, Bob Dylan và Kazuo Ishiguro, Glück là tác giả thứ tư viết bằng tiếng Anh trong thập kỷ này đoạt giải. Louise Glück rõ ràng là nhà thơ tinh tế nhất trong số những người đoạt giải Nobel Văn học trong những năm gần đây. 


Tác phẩm
 
Thơ
*Con đầu lòng (Firstborn), 1968
*Ngôi nhà trên đầm (The House on Marshland), 1975
*Vườn (The Garden), 1976
*Khải hoàn của Achilles (The Triumph of Achilles), 1985
*Ararat, 1990
*Hoa diên vĩ hoang (The Wild Iris), 1992
*Cam giả (Mock Orange), 1993
*Bốn tập thơ đầu (The First Four Books of Poems), 1995
*Đồng cỏ (Meadowlands), 1997
*Cuộc đời mới (Vita Nova), 1999
*Bảy lứa tuổi (The Seven Ages), 2001
*Tháng mười (October), 2004
*Averno, 2006
*Đời sống nông thôn (A Village Life), 2009
*Thơ (Poems) 1962–2012
*Đêm trung thành và đoan chính (Faithful and Virtuous Night), 2014
 
Văn xuôi – Tiểu luận về thơ ca
*Bằng chứng và lý thuyết (Proofs and Theories: Essays on Poetry), 1994
*Đặc thù Mỹ (American Originality: Essays on Poetry), 2017
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Huyền thoại về sự tận tâm

HUYỀN THOẠI VỀ SỰ TẬN TÂM   Khi Hades* quyết định yêu cô gái dễ thương thần đã xây cho cô một bản sao nơi trần thế mọi thứ đều giống y, bao ...